Mặc dù là một lĩnh vực đầu tư được rất nhiều người quan tâm và ngày càng thể hiện khả năng sinh lời cao, tuy nhiên, việc đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà những người tham gia thị trường cần phải nắm rõ để sẵn sàng ứng phó, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại trong quá trình đầu tư.
Sự thay đổi về chính sách
Các chính sách của nhà nước về kinh tế, văn hóa, xã hội đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dự án. Chỉ trong năm 2020, rất nhiều chính sách pháp luật trong lĩnh vực bất động sản đã có sự thay đổi làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Đây là một rủi ro mà nhà đầu tư cần kịp thời nắm bắt để điều chỉnh phương án đầu tư cho phù hợp.
Biến động của nền kinh tế thế giới và trong nước
Khủng hoảng kinh tế trong nước, khu vực hay thế giới là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh bất động sản. Chúng ta sẽ phải tính toán sao cho phù hợp với sự biến động của nền kinh tế để tránh trường hợp dự án không thể đi vào hoạt động đúng tiến độ, gây thất thoát cho chủ đầu tư.
Rủi ro về hạ tầng và môi trường
Vị trí dự án sẽ quyết định các vấn đề về hạ tầng và môi trường. Đối với một số dự án ở vị trí đắc địa, các vấn đề về môi trường sẽ trở thành lợi thế cho nhà đầu tư. Ngược lại, một số dự án có cơ sở hạ tầng yếu kém, môi trường ô nhiễm sẽ làm giảm giá trị khai thác của dự án, thậm chí ế hàng. Đây là một yếu tố rủi ro mà những người tham gia đầu tư cần đặc biệt lưu ý.
Năng lực của dự án
Một số nhà đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn do lựa chọn các dự án mà Chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính hoặc năng lực quản lý, dẫn đến tiến độ dự án bị chậm trễ hoặc các dịch vụ kém chất lượng. Đây cũng là một trong số các rủi ro đối với nhà đầu tư.